car, road, traffic-7502196.jpg

Tư vấn về MPU

Bạn vừa bị tòa án hoặc cơ quan cấp phép tịch thu bằng lái, hoặc bạn tự nguyện nộp để tránh trường hợp bị tịch thu cưỡng chế?

Nếu gặp phải tình huống này, hẳn bạn đang tự hỏi: Khi nào tôi lại được phép lái xe? Làm thế nào để nhận lại bằng lái? MPU là gì, tôi có phải đi kiểm tra MPU? vv

Sau đây là một vài thông tin cơ bản dành cho bạn:

1. Không còn bằng lái có ý nghĩa gì?

Nếu bị tịch thu bằng, bạn sẽ không được phép lái xe nữa. Nghe thì có vẻ như đây là một điều đương nhiên, nhưng nhiều người vẫn cho là „lái tạm một quãng ngắn“ chắc không sao, hoặc „cứ lái đi, chắc không bị phát hiện“ vv. Đã có rất nhiều trường hợp bị phát hiện với những hậu quả nặng hơn về mặt hình sự, thế nên bạn đừng quá ỷ vào vận may của mình.

2. Làm thế nào để xin lại bằng lái xe?

Nếu muốn tiếp tục lái xe, bạn sẽ phải đặt đơn xin cấp bằng mới tại cơ quan cấp bằng (Führerscheinstelle) ở nơi bạn có hộ khẩu thường trú. Họ sẽ kiểm tra hồ sơ của bạn xem bạn còn có khả năng điều khiển xe hoặc có băn khoăn nào về thể chất, trí tuệ và thái độ sử dụng phương tiện giao thông hay không. Đây là quá trình xét duyệt độc lập, không liên quan gì đến tòa. Tòa không có quyền quyết định bạn có được cấp lại bằng lái sau thời hạn cấm lái (Sperrfrist). Thời hạn này chỉ quan trọng đối với nơi cấp bằng, họ sẽ phải xem sớm nhất khi nào họ lại được cấp bằng lái cho bạn. Thế nên nếu đã có quyết định về thời hạn cấm lái của tòa, bạn chỉ nên đặt đơn xin cấp lại sớm nhất 6 tháng trước khi hết hạn.

Thường thì bạn sẽ phải cầm theo chứng minh thư hoặc hộ chiếu có kèm giấy đăng ký thường trú, tạm trú đích thân đến nộp đơn. Tùy theo từng trường hợp cụ thể, bạn còn cần nộp những giấy tờ khác. Lệ phí xin cấp bằng rơi vào khoảng 250,00 EUR

Nếu bạn chỉ lái xe với trọng tải tới 3,5 tấn (có hoặc không có rơ móc – bằng B, BE), xe máy (Bằng A, A2, A1, AM) hoặc các xe nhà nông, xe kéo (Bằng T, L), bạn cần nộp những giấy tờ sau:
– 1-2 ảnh hộ chiếu
– Chứng nhận năng lực thị giác
– Chứng nhận đã tham gia khóa học cấp cứu

Nếu bạn lái xe tải (từ 3,5 tấn trở lên, bằng C, C1, CE, C1E, CE79):
– Chứng nhận đã tham gia khóa học cấp cứu
– Chứng nhận kiểm tra sức khỏe y khoa (theo mẫu phụ lục 5.1 FeV)
– Chứng nhận kiểm tra thị giác (theo mẫu phụ lục 6.2.1 hoặc 6.2.2 FeV)
Những chứng nhận liên quan đến kiểm tra sức khỏe không được cũ hơn 1 năm, về thị giác không được cũ hơn 2 năm.

Nếu bạn lái xe buýt hoặc xe chở khách đường dài (Bằng D, DE, D1, D1E) còn cần thêm:
– Chứng nhận về năng lực tâm lý (theo mẫu phụ lục 5.2 FeV), chứng nhận này không được phép cũ hơn 1 năm.

3. MPU là gì?
MPU là viết tắt của „Medizinisch-Psychologische Untersuchung“ (Kiểm tra y học và tâm lý). Thường thì bạn sẽ phải qua kiểm tra MPU trong những trường hợp sau:
– Bạn lại bị tịch thu bằng
– Bạn lái xe trong tình trạng đã có 1,6 Promille độ cồn
– Bạn lại lái xe trong trình trạng đã uống say (ngay cả khi dưới 1,6 o/oo)
– Bạn nghiện rượu/ma túy hoặc lạm dụng chất gây nghiện
– Bạn vi phạm nghiêm trọng quy tắc giao thông
– Bạn gây án liên quan đến giao thông
– Bạn gây án liên quan đến năng lực điều khiển phương tiện giao thông hoặc sử dụng phương tiện giao thông khi gây án

!!! Xin bạn lưu ý, phương tiện giao thông không chỉ nói đến ô tô, xe máy mà cả xe đạp!!!

MPU không phải là một hình phạt bổ sung mà là cách để chứng minh bạn không còn gây nguy hiểm khi tham gia giao thông. Thông qua kiểm tra này, người ta muốn biết bạn có ý thức được:
– Mình đã làm sai điều gì?
– Vì sao mình lại làm thế mà không phải gì khác?
– Khi nào và vì sao mình quyết định cần phải thay đổi lại thái độ của bản thân?
– Mình đã biến những thay đổi này thành hiện thực ra sao?
– Kết quả những thay đổi đó hiện như thế nào?
– Làm thế nào để không phạm phải những lỗi lầm cũ khi tham gia giao thông?

4. „Abstinenz“ nghĩa là gì?
Trong nhiều trường hợp, do mức độ nghiện rượu hoặc ma túy, ngoài phần kiểm tra MPU bạn có thể còn phải chứng minh mình đã cai hoặc kiểm soát được mức tiêu thụ chất cồn, chất gây nghiện. „Abstinenz“ nghĩa là „cai, nhịn, sạch“!

Nếu bạn thực sự muốn lấy lại bằng lái, bạn hãy đến chỗ tôi để nhận tư vấn đầy đủ. Tôi sẽ cung cấp cho bạn những thông tin chi tiết, ví dụ như về:
– Quá trình kiểm tra MPU diễn ra như thế nào, bao gồm những gì
– Cần chú ý những gì trong trường hợp của bạn
– Cơ hội thực tế qua được kỳ kiểm tra MPU của bạn là bao nhiêu
– Những bước thay đổi của bạn đã đủ chưa
– Bạn còn cần chuẩn bị những gì
– Bạn nên đăng ký kiểm tra MPU vào thời điểm nào
– Bạn cần chuẩn bị những giấy tờ gì
– Bạn có nhất thiết phải qua kiểm tra MPU hay còn khả năng nào khác
– Bạn muốn kháng lại kết quả MPU bạn vừa nhận được thì cần phải làm gì